Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gặp ở mọi lứa tuổi và có nguy cơ tử vong rất cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm vi rút dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Cho đến nay trên thế giới mới chỉ ghi nhận bảy trường hợp bệnh nhân sống sót sau khi được chăm sóc tích cực. Phần lớn các trường hợp này đã được tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm nên có thể đã làm thay đổi diễn biến của bệnh.
Ở nước ta, trong 5 năm qua bệnh Dại đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại. Nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao, nhất là thời tiết đã bước vào mùa hè, nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh Dại bùng phát mạnh nhất.
Đường lây truyền của bệnh dại
Bệnh Dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thưng hở. Ngoài ra, vi rút dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, thời gian này phụ thuộc vào lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.
Bệnh dại có 2 thể: Thể cuồng và thể liệt
Thể cuồng, ngay khi bị nhiễm vi rút, nếu không tiêm vắc xin dại kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương.
Khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim.
Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh.
Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu, rối loạn đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết.
Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.
Xử trí khi bị động vật cắn để phòng bệnh dại
Bệnh Dại hiện chưa có thuốc điều trị, do vậy việc tiêm vắc xin là biện phát dự phòng và cách điều trị duy nhất giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử.
Khi bị chó, mèo cắn hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với chó, mèo có nhiễm dại, cần:
- Ngay lập tức rửa vết thương với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh Dại.
- Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị càng sớm càng tốt.
Lưu ý, tránh sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương
Cách phòng bệnh dại
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:
- Khi con vật đã được xác định mắc bệnh Dại phải tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.
- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh Dại, nhiễm bệnh Dại.
- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
- Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.
- Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.
- Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam./.