Nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm ở trẻ em
Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều.
Một số bệnh lây truyền qua đường không khí, qua dịch tiết khi ho, hắt hơi hay nói chuyện, số khác phát triển trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém và xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa. Những người sống trong môi trường ô nhiễm, không giữ gìn vệ sinh cá nhân hay môi trường sinh hoạt xung quanh sẽ dễ mắc bệnh truyền nhiễm.
Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là các loại vi khuẩn, virus và được gọi là mầm bệnh.
Khi có điều kiện thuận lợi, một số vi trùng thường trú có thể gây bệnh, vì vậy cần có lối sống tốt, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng đầy đủ để ngăn ngừa bệnh.
Ở trẻ nhỏ, một số yếu tố bao gồm độ tuổi, khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, cấu tạo gen và bệnh lý đi kèm có thể ảnh hưởng đến việc nhiễm bệnh truyền nhiễm. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và bé có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng khi tay chưa được rửa sạch.