Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, có 2 hình thức trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ là trào ngược dạ dày thực quản sinh lý; trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý. Cần phân biệt rõ bởi 2 hình thức này có biến chứng, cách điều trị khác nhau.
Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý không gây biến chứng. Trẻ bị trớ sữa, ọc sữa, ợ chua hoặc thậm chí buồn nôn nhưng sau đó không bị bứt rứt khó chịu vì cơn trào ngược. Trẻ vẫn có thể bú, ăn uống tốt, ngủ ngon, tăng cân, chiều cao bình thường nếu tình trạng bệnh không quá nặng.
Trong khi đó, trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD) còn gọi là viêm thực quản trào ngược, xảy ra khi axit dạ dày trào ngược từ dạ dày lên thực quản (phần ống tiêu hóa nối miệng với dạ dày). Bệnh gây ra các biến chứng: tổn thương thực quản (viêm, loét) khiến trẻ khó chịu, kích thích, ăn bú kém, thậm chí sợ bú, không tăng cân, chậm lớn. GERD cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như: bệnh lý hô hấp mạn tính, hen suyễn, viêm phổi tái phát...
Theo bác sĩ An Pha, trẻ thường bị trào ngược dạ dày thực quản sinh lý nhiều hơn bệnh lý. Bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ trong những tháng đầu đời, giảm dần hoặc khỏi hẳn khi trẻ được một tuổi. Nếu sau 12 tháng tuổi, trẻ vẫn còn các dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản, có thể bé đã mắc phải trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý hoặc các bệnh lý khác.
Để sớm nhận biết trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý, bác sĩ An Pha khuyên bố mẹ quan sát các dấu hiệu bước đầu dưới đây, nếu nghi ngờ thì cần đưa trẻ đi khám sớm.
Với trẻ sơ sinh và nhũ nhi, trẻ không chịu bú mẹ hoặc bú bình, hay khóc hoặc cong cổ, lưng như bị đau, nôn vọt, nôn mạnh, ho khò khè thường xuyên, bú ít, sợ bú, không tăng cân.
Với trẻ tuổi mẫu giáo, trẻ nôn hoặc cảm thấy vị chua (axit dạ dày) ở cổ họng, nếu trẻ bị hen suyễn sẽ bị ho, khò khè thường xuyên, trẻ biếng ăn (vì cảm thấy đau khi ăn), tăng trưởng thể chất, trí não kém.
Với trẻ lớn, trẻ buồn nôn, nôn hoặc cảm thấy vị chua ở cổ họng, ợ nóng, cảm thấy đau hoặc rát ở ngực (thấy đau ngực, một số trường hợp có thể thấy khó thở), cảm thấy khó chịu hoặc đau khi nuốt thức ăn, đau bụng nhiều. Lưu ý, cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, nếu xảy ra ban đêm có thể khiến trẻ thức giấc, căng thẳng khó ngủ trở lại. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ được xác định do một số yếu tố nguy cơ gây nên: trẻ bị dị tật bẩm sinh, chẳng hạn thoát vị hoành - một tình trạng mà trong đó phần trên của dạ dày nhô lên thông qua cơ hoành (cơ ngăn cách ngực với bụng); bị thừa cân, béo phì; sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài, chẳng hạn thuốc dùng cho bệnh hen suyễn; trẻ hút thuốc thụ động (là tình trạng trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá từ những người xung quanh); trẻ phẫu thuật vùng bụng trên; trẻ bị rối loạn về não như bại não; trẻ mắc bệnh do di truyền.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nếu không điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng như: viêm thực quản (lâu dần có nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản), ảnh hưởng hệ hô hấp (trẻ bị ho, kèm theo thở khò khè). Ngoài ra, bệnh có thể còn khiến trẻ bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang... Nếu trẻ ăn uống không tốt sẽ dẫn đến chán ăn, suy dinh dưỡng, chậm lớn.
Do đó, trẻ cần được thăm khám, xác nhận nguyên nhân và đánh giá tình trạng sức khỏe kịp thời để có giải pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp bé bị nhẹ hoặc trào ngược sinh lý, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể cải thiện tình trạng bệnh cho trẻ hiệu quả. Theo đó, bố mẹ nên cho con ăn các loại thực phẩm giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày như sữa chua, các loại đậu, súp lơ, rau bí, bắp cải, rau bí, bánh mì, bột yến mạch, uống nước gừng...
Đồng thời, cần hạn chế các loại thực phẩm không có lợi cho tình trạng trào ngược dạ dày của trẻ hoặc khiến tình trạng bệnh nặng thêm như: thực phẩm chứa nhiều chất béo, trái cây chứa nhiều axit, các loại gia vị cay nóng (ớt, tiêu...).