Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết
Dấu hiệu khởi phát sốt xuất huyết ở trẻ là sốt cao đột ngột, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày và kèm theo biểu hiện sau:
- Đỏ phừng mặt, da xung huyết
- Đau nhức cơ, đau khớp
- Đau đầu
- Một số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
- Ở trẻ nhũ nhi (1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi) có thể kèm triệu chứng ho, sổ mũi, tiêu chảy.
Sau đó, bệnh nhi có xuất huyết như: chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đại tiện ra máu.
Giai đoạn ngày thứ 3 - 7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt (37.5 - 38 độ C hoặc thấp hơn), một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, mệt mỏi, lú lẫn, quấy khóc, kích thích; nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc; trẻ bỏ bú, không ăn uống được, tay chân lạnh, ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu tiện trên 6 giờ. Khi có một trong các dấu hiệu trên cần phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Biến chứng sốt xuất huyết:
Phụ huynh không nên chủ quan, bởi sốt xuất huyết dễ khiến cơ thể trẻ mệt mỏi dẫn đến suy kiệt, sau đó gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trong đó có biến chứng sốc dẫn đến tử vong.
- Cấp độ 1: Người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết.
- Cấp độ 2: Người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu).
- Cấp độ 3: Người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc và cấp 4 là sốc nặng.
Đặc biệt, cần lưu ý xuất huyết không phải là một triệu chứng bắt buộc, có hay không xuất huyết thì bệnh vẫn có thể xảy ra sốc. Sốc là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh sốt xuất huyết. Đa số trẻ sốt xuất huyết bị tử vong là do sốc nặng.
Sốc là một hội chứng (gồm nhiều triệu chứng) với biểu hiện là hạ nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt giảm xuống dưới mức bình thường), nếu thân nhiệt giảm cùng với thời điểm của thuốc hạ nhiệt tác động mạnh thì rất nguy hiểm. Người bệnh có thể bị giảm tri giác, tinh thần biểu hiện kém lanh lợi, lơ mơ, mê sảng. Kèm theo các biểu hiện này là tụt huyết áp.
Những lưu ý khi chăm sóc, điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin phòng bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời. Những điều cần lưu ý như:
- Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol, mặc quần áo thoáng mát và lau người bằng nước ấm để hạ sốt. Uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc. Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).
- Không cạo gió, vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Không cho trẻ uống những loại nước giải khát có màu đen hoặc đỏ… vì dễ gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
- Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện.
- Chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ mắc sốt xuất huyết:
+ Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho nhiều bữa nhỏ.
+ Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: Nước điện giải Oresol, nước lọc, nước trái cây, nước cam, nước chanh.
+ Cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.