Đau mắt đỏ dùng thuốc gì?
Các thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ tại chỗ
Nước muối sinh lý NaCl 0,9%
Nước muối sinh lý là một dung dịch đẳng trương có chứa nồng độ muối 0,9%. Nhỏ nước muối sinh lý trong đau mắt đỏ có thể mang lại một số tác dụng sau:
- Làm sạch và làm dịu mắt bằng cách loại bỏ các chất nhầy, dịch mắt và bụi bẩn
- Cung cấp độ ẩm cần thiết cho mắt, giúp giảm triệu chứng mắt khô và đau mắt.
- Rửa trôi một phần vi khuẩn hoặc virus gây bệnh làm giảm tình trạng viêm và khó chịu.
Nên sử dụng nước muối sinh lý cùng các thuốc khác để điều trị đau mắt đỏ.
Nước mắt nhân tạo
Nước mắt nhân tạo có thành phần và tính chất tương tự nước mắt tự nhiên của cơ thể. Cũng như nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo không trực tiếp điều trị nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ nhưng nó có thể làm giảm triệu chứng khô mắt, đau rát và cung cấp độ ẩm cho mắt.
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh điều trị đau mắt đỏ
Trong trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn, sử dụng kháng sinh tại chỗ cho hiệu quả điều trị tốt. Tình trạng đỏ mắt, chảy dịch thường bắt đầu thuyên giảm trong vòng vài ngày. Nhưng nếu nguyên nhân là do virus thì việc nhỏ kháng sinh thường không có tác dụng. Kháng sinh không thể tiêu diệt virus gây bệnh, chúng chỉ có tác dụng khi xuất hiện tình trạng bội nhiễm.
Việc sử dụng kháng sinh cần được thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dùng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng cách có thể gây tác dụng phụ và tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh.
Đa số các thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ có thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày. Sau thời gian này, nếu các triệu chứng không thuyên giảm, cân nhắc đổi loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Một số loại kháng sinh thường gặp trong thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ:
- Kháng sinh nhóm aminoglycosid
Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng, thích hợp điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn gram âm gây ra. Các tình trạng đỏ viêm, ngứa, khô hay chảy dịch sẽ đỡ sau vài ngày sử dụng thuốc.
- Kháng sinh nhóm fluoroquinolon
Fluoroquinolon là nhóm kháng sinh diệt khuẩn phổ rộng trên cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Chúng có khả năng ngăn chặn sự phát triển và sinh sản của vi khuẩn từ đó làm giảm triệu chứng đau mắt đỏ.
Các thuốc này dùng tối đa trong vòng 1 tuần. Thông thường, tình trạng viêm được cải thiện sau 5 ngày và cần tiếp tục điều trị trong 2-3 ngày nữa.
Thận trọng khi dùng corticoid điều trị đau mắt đỏ
Corticoid có thể giảm viêm và giảm triệu chứng đau mắt đỏ nhanh chóng, nhưng chúng không loại bỏ được nguyên nhân gây ra bệnh. Sử dụng corticoid nhỏ mắt không đúng cách hoặc lâu dài có thể gây các tác dụng phụ như tăng nhãn áp, viêm giác mạc hoặc tạo điều kiện cho phát triển nhiễm trùng. Do đó, thận trọng trong việc sử dụng corticoid trong điều trị đau mắt đỏ.
Sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ tác dụng toàn thân
Trong trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, với các dị nguyên thường gặp là mỹ phẩm lạ, thuốc tra mắt, hóa chất, bụi, phấn hoa,…
Trong trường hợp này, việc đầu tiên là phải loại trừ tác nhân gây dị ứng bằng cách rửa mắt với nước muối sinh lý. Sau đó, tùy mức độ triệu chứng mà có thể sử dụng thuốc tra mắt tại chỗ hoặc sử dụng thuốc kháng histamin đường uống để chống dị ứng.
Sử dụng kháng sinh đường tiêm điều trị đau mắt đỏ
Một số thuốc kháng sinh đường tiêm được các bác sĩ chỉ định điều trị đau mắt đỏ khi nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ là do lậu cầu và vi khuẩn bạch hầu. Bệnh tiến triển nặng, kèm theo triệu chứng nhiễm khuẩn toàn thân.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ
Thực chất, ngay cả khi không điều trị, hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ, đặc biệt do virus, sẽ khỏi trong vòng 7 ngày. Việc lạm dụng các thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn liên quan quan đến bệnh về mắt, thậm chí suy giảm thị lực. Vì vậy, bạn nên đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh để xác định được nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị chính xác, an toàn, hiệu quả.