Kỹ năng chăm sóc bản thân là gì?
Tự chăm sóc bản thân là khả năng có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình về sức khỏe, tinh thần và vật chất. Hiểu biết và quản lý bản thân, không để những cảm xúc tiêu cực của mình ảnh hưởng tới người khác, tới công việc chung. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân bao gồm chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe thể chất, chăm sóc tinh thần và biết cách quản lý thời gian hiệu quả.
Vai trò của kỹ năng chăm sóc bản thân cho trẻ mầm non
Học được cách tự chăm sóc bản thân khi còn bé sẽ đem tới nhiều lợi ích cho sự phát triển về tinh thần, thể chất và cả trí tuệ cho trẻ sau này. Có được những kỹ năng cơ bản để chăm sóc bản thân đồng nghĩa với việc các em đang rèn luyện cho mình tinh thần trách nhiệm, tính tự giác cao với mọi hành động và lời nói của bản thân. Các em cũng sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu chính mình, biết được sở thích, sở trường, sở đoản của mình là gì, từ đó sẽ có những định hướng phát triển phù hợp với cá tính của bản thân.
Biết được kỹ năng chăm sóc bản thân, các em không những có thể chăm sóc tốt cho bản thân mình mà còn có khả năng chăm sóc và quan tâm tới mọi người xung quanh, đặc biệt là những người mà các em yêu thương như ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình…
Bố mẹ rèn luyện cho bé kỹ năng chăm sóc bản thân ở nhà như thế nào?
Tự chăm sóc bản thân không đòi hỏi nhiều kỹ năng, thời gian hay tiền bạc. Những kỹ năng tự chăm sóc bản thân khoa học sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt và biết tự bảo vệ sức khỏe toàn diện cho việc học tập, vui chơi. Dưới đây là những kỹ năng mà bố mẹ có thể rèn luyện cho trẻ mầm non tự chăm sóc bản thân:
1 – Dạy trẻ biết cách chăm sóc các bộ phận của cơ thể
Ở giai đoạn mầm non, bé đã có thể linh hoạt được những vận động đơn giản, biết cầm, nắm đồ vật và thực hiện những động tác đơn giản phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Bố mẹ nên dạy bé cách tự vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt, rửa tay, tắm rửa, và nhiều hoạt động chăm sóc cơ thể khác để bé có thể biết việc giữ gìn cơ thể sạch sẽ vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe và tránh các nguy cơ bệnh tật.
2 – Dạy trẻ cách quản lý, vệ sinh đồ dùng cá nhân
Đây là giai đoạn mà bé sẽ vừa giải trí, vừa học tập, khám phá thế giới, kích thích tư duy, khả năng sáng tạo qua các món đồ chơi đầy màu sắc và hình dáng. Vì vậy, chơi đồ chơi cũng là hoạt động chính của trẻ, cả ở trường học và ở nhà.
Bố mẹ ở nhà nên dạy bé tự làm những việc đơn giản như dọn dẹp đồ chơi để rèn luyện tính tự giác và cách quản lý đồ dùng cá nhân cho trẻ. Không phải với mỗi đồ chơi, mà các đồ vật khác của trẻ như sách truyện, quần áo cũng nên để trẻ tự quản lý, tự giữ gìn.
Bé học cách tự gấp quần áo
3 – Dạy trẻ biết cách ứng xử, giao tiếp
Giáo dục kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho trẻ mầm non là một trong những ưu tiên số một của ba mẹ. Thói quen giao tiếp hiệu quả, lịch sự và thân thiện với mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng như biết cách phản xạ, ứng xử trong mọi tình huống.
Các nguyên tắc cơ bản khi dạy trẻ kỹ năng ứng xử giao tiếp là dạy trẻ chào hỏi, dạ thưa khi nói chuyện với người lớn tuổi; biết nói cảm ơn/xin lỗi; trả lời bằng câu hoàn chỉnh, không nói trống không và biết tôn trọng, lắng nghe khi người khác đang nói chuyện
4 – Dạy con biết cách chọn lựa khôn ngoan
Sống tự lập, không dựa dẫm là kỹ năng quan trọng nhất để trẻ có thể tự chăm sóc được bản thân. Bố mẹ không nên làm thay mà chỉ nên hướng dẫn, hỗ trợ trẻ trong quá trình đưa ra những quyết định trong khuôn khổ cho phép, không gây nguy hiểm cho trẻ và những người khác. Ngoài ra, gợi ý cho trẻ một số hoạt động bổ ích, một vài bộ phim hay có ý nghĩa cũng là cách giúp trẻ rèn luyện tư duy, trí tuệ để có thể tự đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống.
Đặc biệt, bố mẹ không nên lo lắng bé sẽ không biết làm, làm không đúng hay mất nhiều thời gian mà làm thay bé những công việc này. Khi trẻ được thực hành rèn luyện nhiều, bé sẽ thành thạo hơn và hình thành thói quen tự chăm sóc bản thân, từ đó bố mẹ cũng sẽ bớt “mệt mỏi” hơn.