Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là virus Dengue với tác nhân lây truyền là muỗi Aedes mang bệnh. Muỗi cái Aedes mang bệnh sẽ hút máu của vật chủ bị nhiễm virus Dengue sau đó ủ bệnh trong cơ thể và truyền bệnh cho người khỏe mạnh thông qua vết đốt bởi tuyến nước bọt có chứa virus Dengue.
Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra chủ yếu ở các khu vực quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Điển hình tại Việt Nam, bệnh có thể lưu hành quanh năm và có nguy cơ bùng phát thành dịch, thậm chí là đại dịch và diễn biến khó lường, phức tạp vào mùa mưa – thời điểm sinh sản cao điểm của muỗi.
Bị sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?
Tùy thuộc vào cơ địa, thể trạng hay khả năng miễn dịch riêng biệt của mỗi người mà thời gian ủ bệnh sẽ dài hay ngắn. Thông thường, bệnh sốt xuất huyết thường có diễn tiến rất nhanh chóng và các triệu chứng trở nên nặng hơn qua từng giai đoạn. Sau khi xuất hiện những cơn sốt cao đầu tiên, bệnh sẽ thường giảm dần và khỏi hoàn toàn trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, gần như không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong giai đoạn ủ bệnh này, nếu có cũng rất mờ nhạt, khiến người bệnh lơ là, chủ quan.
Khi nhiễm bệnh, cơ thể người bệnh xuất hiện các triệu chứng rõ ràng ngay sau khi thời gian ủ bệnh kết thúc. Các triệu chứng của sốt xuất huyết sẽ kéo dài trong khoảng từ 7 đến 10 ngày tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phương pháp theo dõi, chăm sóc bệnh tình của người thân. Trong thời kỳ phát bệnh, sốt xuất huyết được chia làm các giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Sau khi bị muỗi vằn Aedes mang virus Dengue đốt, virus sẽ xâm nhập vào máu và lây lan ra khắp cơ thể theo đường huyết mạch trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3 đến 14 ngày (trung bình là từ 4 đến 7 ngày). Sức đề kháng và cơ địa của mỗi người sẽ quyết định đến thời gian ủ bệnh ngắn hay dài. Hầu hết mọi bệnh nhân sốt xuất huyết đều sẽ không biết mình mắc bệnh vì trong giai đoạn này, cơ thể sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường đặc trưng nào.
Giai đoạn sốt
Ở giai đoạn này, triệu chứng điển hình là sốt, người bệnh bắt đầu sốt cao từ 39 đến 40 độ C, không có dấu hiệu hạ sốt ngay cả khi uống thuốc hạ sốt. Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày và có thể có hai giai đoạn gồm giai đoạn sốt cao và giai đoạn hạ sốt. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm đau đầu dữ dội; đau sau hốc mắt; đau cơ, khớp và xương; ban dát hoặc dát sẩn; và các biểu hiện xuất huyết nhỏ, bao gồm chấm xuất huyết, bầm máu, ban xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, tiểu tiện ra máu…
Một số bệnh nhân bị ban đỏ vùng hầu họng và mặt trong 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi khởi phát. Các dấu hiệu cảnh báo tiến triển thành sốt xuất huyết nặng xảy ra ở giai đoạn sốt muộn, xung quanh thời điểm hạ sốt và bao gồm nôn mửa dai dẳng, đau bụng dữ dội, tích tụ dịch, chảy máu niêm mạc, khó thở, thờ ơ và bồn chồn.
Đối với trẻ em ở giai đoạn sốt, triệu chứng thường gặp là sốt cao đi kèm đau bụng dữ dội và đau họng. Trẻ sẽ hạ sốt sau 3 ngày, đến ngày thứ 8 sẽ xuất hiện các tình trạng xuất huyết nhẹ như chảy máu mũi hay chấm xuất huyết trên da. Khi trẻ hạ sốt hoặc hoàn toàn hết sốt, các nốt phát ban đỏ ở thân mình sẽ xuất hiện và sau đó lan nhanh đến tay, chân, lòng bàn tay, bàn chân và mặt, gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết bắt đầu từ lúc giảm sốt (từ ngày 3 đến ngày 7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên) và thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng thứ phát với biểu hiện cô đặc máu và hạ tiểu cầu.
Hầu hết, các bệnh nhân đều cải thiện về mặt lâm sàng trong giai đoạn này nhưng vẫn có các triệu chứng nguy hiểm mà người bệnh có thể gặp phải, gồm có:
- Rò rỉ huyết tương nghiêm trọng có tràn dịch cổ trướng hoặc màng phổi, cô đặc máu, hạ protein trong máu do tăng tính thấm thành mạch;
- Huyết áp tăng nhanh đột ngột (sốc huyết áp), huyết áp tâm thu giảm nhanh chóng, gây ra tình trạng sốc và có thể là tử vong;
- Xuất huyết nghiêm trọng: đi tiểu ra máu, phân chứa máu, phân đen hoặc hắc ín, nôn mửa liên tục có kèm máu, rong kinh, chảy máu âm đạo bất thường, ho ra máu,…
- Tràn dịch màng phổi, gây ra hiện tượng đau tức ngực khi vận động, khó thở và căng tức ngực;
- Tràn dịch màng bụng, gây ra tình trạng chướng bụng, bụng phình to nhanh chóng, vô cùng khó chịu;
- Gan phình to, tay chân lạnh ẩm, li bì, vật vã, lừ đừ, tiểu ít, gây ra tình trạng đau tức vùng sườn dưới hoặc vùng thượng vị;
- Xuất huyết dưới da: nổi các nốt đỏ hoặc mảng đốm đỏ dưới da vị trí lòng bàn tay, mu bàn chân, bụng, đùi, mạng sườn;
- Ngoài ra, còn có các triệu chứng không phổ biến nhưng là những biến chứng nguy hiểm nhất mà bệnh nhân sốt xuất huyết có thể phải đối mặt như: viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm tụy và viêm não.
Giai đoạn hồi phục
Sau từ 1 đến 2 ngày kết thúc giai đoạn nguy hiểm, người bệnh sẽ hết sốt hoàn toàn, huyết áp ổn định, lợi tiểu, thèm ăn. Lúc này, triệu chứng rò rỉ huyết tương giảm xuống, chỉ số hồng cầu trong máu được ổn định, số lượng bạch cầu khỏe mạnh tăng lên và số lượng tiểu cầu trong máu được phục hồi nhanh chóng. Ở giai đoạn phục hồi, sức khỏe cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, công tác theo dõi và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn hồi phục vẫn cần được thực hiện nghiêm túc, đúng cách, cẩn thận, không được chủ quan trước những triệu chứng bất thường dù là nhỏ nhất vì nguy cơ bị suy tim hoặc phù phổi là rất cao nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng.
Sốt xuất huyết có tự khỏi được không?
CÓ. Sốt xuất huyết có thể tự khỏi, tuy nhiên điều này phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và được chăm sóc sức khỏe đúng cách, sốt xuất huyết sẽ tự khỏi và hồi phục mà không cần sự can thiệp, hỗ trợ của bác sĩ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh vẫn sẽ tự khỏi nhưng sẽ khó khăn và lâu dài hơn. Dù ở trường hợp nào, bệnh nhân sốt xuất huyết cũng cần được thăm khám kịp thời và kỹ lưỡng để đánh giá, xác định được tình trạng và giai đoạn bệnh lý cụ thể để có thể đưa ra những phương pháp chăm sóc và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm gây tử vong.
3 sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết lâu khỏi
1. Chủ quan không đến bệnh viện
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến rất đa dạng, được chia ra thành 3 mức độ rõ rệt từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ nhẹ, cơ thể người bệnh hầu như không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường hoặc có những không rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết dù đang ở giai đoạn triệu chứng nhẹ cũng cần được thăm khám, chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh lý để nhanh chóng đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Theo đúng chu trình, bệnh sẽ đột ngột tiến triển thành tình trạng nặng, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tổn thương não, xuất huyết nội tạng, tổn thương gan thận nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Hết sốt là hết bệnh
Hết sốt không phải là hết bệnh mà là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh sốt xuất huyết đang chuẩn bị tiến sang giai đoạn nghiêm trọng – giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết.
Sau từ 2 đến 7 ngày khi giai đoạn sốt kết thúc, bệnh nhân sốt xuất huyết hầu hết hạ sốt hoặc thậm chí hết sốt hoàn toàn, các triệu chứng lâm sàng trở nên khả quan và sức khỏe trở nên ổn định và “khởi sắc” hơn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chỉ số tiểu cầu trong máu bị giảm mạnh, khiến cho tình trạng thoát huyết tương trở nên trầm trọng hơn, xuất hiện các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và các triệu chứng của bệnh. Chảy máu cam, xuất huyết dưới da, phát ban,… nếu mức độ bệnh nhẹ. Tràn dịch màng phổi, chảy máu nội tạng, sốc sốt xuất huyết, xuất huyết dưới da hoặc thậm chí tử vong nếu mức độ bệnh nghiêm trọng.
Do đó, hết sốt không đồng nghĩa với hết bệnh, cần phải chăm sóc người bệnh chu đáo và đúng cách sau khi hết sốt. Tích cực theo dõi và ngay lập tức đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận sự thăm khám và điều trị kịp thời của các bác sĩ nếu cơ thể người bệnh xuất hiện các triệu chứng bất thường.
3. Sốt xuất huyết chỉ mắc 1 lần
HOÀN TOÀN SAI LẦM. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue với 4 chủng virus sở hữu cấu trúc kháng nguyên khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Mỗi lần nhiễm bệnh, người bệnh chỉ bị lây nhiễm bởi duy nhất 1 chủng virus Dengue, sau khi khỏi bệnh, cơ thể đã tự hình thành nên một hệ miễn dịch cùng các kháng thể tự nhiên có khả năng chống lại sự xâm nhập của chủng virus tương ứng đó. Những lần tới, 1 trong 3 chủng virus Dengue còn lại vẫn có thể xâm nhập và gây hại trong cơ thể người bệnh.
Vì thế, với 4 loại huyết thanh riêng biệt của virus Dengue, một người có thể bị mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời, tuyệt đối không được chủ quan trong các công tác phòng bệnh.
Cách điều trị sốt xuất huyết nhanh khỏi
Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc điều trị đặc hiệu nào, các loại thuốc hiện nay chủ yếu hỗ trợ điều trị, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm phát triển. Để bệnh nhân sốt xuất huyết dược điều trị thuận lợi và mau chóng phục hồi, cần phải:
- Sốt là triệu chứng đặc trưng của sốt xuất huyết, sốt có thể cao đến 39 – 40 độ C, lúc này phản ứng thoát dịch xảy ra, tình trạng thoát nước nhanh và nhiều hơn. Vì thế, cần bù dịch cho bệnh nhân bằng cách uống nhiều nước hơn bình thường, tốt nhất là Oresol (2).
- Hạn chế sử dụng thuốc hạ sốt hoặc dùng hạ sốt cấp tốc vì sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra nên nhiệt độ cơ thể sau khi hạ xong lại tiếp tục tăng trở lại, nếu hạ sốt liên tục hoặc hạ sốt cấp tốc sẽ có làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể. Chỉ thực sự cần thiết sử dụng thuốc hạ sốt khi bệnh nhân sốt cao trên 38.5 độ C.
- Chỉ nên hạ sốt bằng thuốc Paracetamol, tuyệt đối không sử dụng Aspirin hoặc Ibuprofen vì trong 2 loại thuốc này có chứa các thành phần có khả năng chống đông máu, khiến tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trở nên nặng nề hơn. Với trẻ dễ bị nôn trớ, nên chọn mua những loại Paracetamol có vị ngọt, dễ uống.
- Để người bệnh được nghỉ ngơi hoàn toàn, không vận động, hạn chế đi lại nếu không thật sự cần thiết. Vì trong thời kỳ mắc bệnh, các vị trí va chạm hay té ngã dù là nhẹ nhất cũng sẽ khiến bệnh nhân xuất hiện những vết bầm tím, xuất huyết nghiêm trọng.
- Hiện tượng xuất huyết sẽ xảy ra ở những ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh và kéo dài đến vài ngày, vì thế không nên ra nơi có gió, không được tắm nước lạnh, vì rất có thể gây ra tình trạng co mạch ngoài da, giãn mạch bên trong nội tạng, dẫn đến tử vong. Thay vào đó, nên lau người cho bệnh nhân bằng khăn ấm, mềm.
- Không nên tùy tiện áp dụng phương pháp dân gian để điều trị bệnh như cạo gió hay xông hơi vì những phương pháp này vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh được tính hiệu quả rõ ràng trong thực tiễn.
Dấu hiệu nhận biết khỏi bệnh sốt xuất huyết
Không phải hết sốt là đã khỏi bệnh, hết sốt mới là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh phải trải qua đủ 3 giai đoạn của sốt xuất huyết mà không gặp phải bất cứ biến chứng nào mới khỏi bệnh hẳn. Các dấu hiệu nhận biết bệnh nhân sốt xuất huyết khỏi bệnh gồm có:
- Cơ thể trở nên khỏe khoắn, đỡ mệt mỏi, thèm ăn, ăn khỏe và cảm giác ăn ngon hơn.
- Sốt xuất huyết khiến người bệnh mất nước nhanh và nhiều hơn nên thường tiểu ít từ khi cơ thể phát sốt. Dấu hiệu đi ngoài nhiều hơn, biểu thị rằng tình trạng mất nước đã được cải thiện, bệnh sắp khỏi.
- Không xuất hiện thêm các nốt phát ban mới do tình trạng xuất huyết dưới da gây ra và các nốt xuất huyết này mờ dần sau khoảng 2 đến 3 ngày, cảm giác ngứa ngáy do phát ban cũng thuyên giảm dần. Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Trung bình từ 7 đến 10 ngày sốt xuất huyết sẽ tự khỏi nếu người bệnh được chăm sóc chu đáo, cẩn thận và đúng cách. Tuy nhiên, không được lầm tưởng rằng hết sốt là khỏi hẳn bệnh mà đó là khởi đầu cho giai đoạn nghiêm trọng và nguy hiểm hơn của sốt xuất huyết. Vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, phải tăng cường theo dõi và chăm sóc người bệnh, đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các triệu chứng bất lợi để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.