Chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, sốt xuất huyết được chia thành 3 phân độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng.
Hiện nay có 3 phương pháp chẩn đoán sốt xuất huyết bao gồm:
- Xét nghiệm NS1: Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh nhằm tìm kháng nguyên virus.
- Xét nghiệm kháng thể IgM: Từ ngày thứ 6 của bệnh trở đi, nhằm xác định kháng thể chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.
- Xét nghiệm kháng thể IgG: xác định kháng thể bảo vệ lâu dài của cơ thể.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C liên tục 2 đến 7 ngày khó hạ sốt, đau đầu dữ dội, nhức 2 hốc mắt, buồn nôn, chán ăn, đau khớp, đau cơ, da xung huyết, có nổi mẩn hoặc phát ban.
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, người thân cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán xác nhận và chỉ định điều trị. Với người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ có thể được điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh sốt xuất huyết nặng phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Những bệnh nhân sốt xuất huyết không có nhu cầu phải truyền dịch tĩnh mạch, bệnh nhân độ I có khả năng bù dịch bằng đường uống, bệnh nhân độ II có khả năng bù dịch bằng đường uống và không gặp tình trạng xuất huyết là những đối tượng có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị sốt xuất huyết tại nhà chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt paracetamol nếu sốt cao, uống nhiều nước (từ 2-3 lít nước hoặc nước hoa quả, Oresol theo sự hướng dẫn của bác sĩ). Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung thêm vitamin các loại và dinh dưỡng hợp lý.
Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ nước và điện giải, người bệnh cần lưu ý thân nhiệt và uống thuốc hạ sốt khi cần thiết. Paracetamol là thuốc hạ sốt an toàn, thường được chỉ định trong điều trị triệu chứng sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Paracetamol có khả năng gây độc cho gan, thận nếu dùng liều cao (15g/ ngày với người lớn) hoặc dùng thuốc liều đúng chỉ định nhưng kéo dài hơn 1 tuần. Thuốc có nguy cơ gây độc gan với người nghiện rượu. Liều dùng Paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết là 15mg/kg thể trọng, cách nhau từ 4 đến 6 giờ và không nên dùng quá 4 lần 1 ngày.
Lưu ý, Aspirin và Ibuprofen là 2 loại thuốc chống chỉ định dùng cho người bệnh sốt xuất huyết. Aspirin mặc dù cũng là thuốc hạ sốt, nhưng trong sốt xuất huyết tuyệt đối không được sử dụng. Bởi Aspirin có tác dụng ngăn tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên khiến tình trạng chảy máu do sốt xuất huyết gây ra trở nên trầm trọng hơn. Tương tự, Ibuprofen là thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid. Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như Aspirin, nhưng Ibuprofen cũng khiến tình trạng chảy máu trong sốt xuất huyết khó cầm được.
Chăm sóc người bị sốt xuất huyết nặng
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, khi người bệnh có một trong các dấu hiệu trở nặng sau, cần ngay lập tức đến bệnh viện:
- Đau bụng dữ dội: cơn đau liên tục, cảm giác đau tăng nhất là ở vùng gan;
- Li bì, lừ đừ, vật vã;
- Nôn ói;
- Có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch;
- Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt;
- Thoát nhiều huyết tương có thể dẫn đến sốc, với biểu hiện vật vã, bứt rứt hay li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, da lạnh, tiểu ít.;
- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Ngoài những triệu chứng trở nặng trên, người bệnh sốt xuất huyết nên xem xét nhập viện khi thuộc các nhóm đối tượng như: Sống một mình, nhà xa cơ sở y tế không thể nhập viện kịp thời khi trở nặng, gia đình không có khả năng theo dõi sát, trẻ nhũ nhi, dư cân, béo phì, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính kèm theo.
Một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết có thể kể đến như:
- Không tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp, đe dọa tính mạng của người bệnh;
- Không cạo gió vì khiến người bệnh đau, gây chảy máu và nhiễm trùng;
- Không tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là bệnh do virus, kháng sinh không có tác dụng điều trị;
- Người bệnh điều trị sốt xuất huyết tại nhà cần được theo dõi chặt chẽ, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ; cần được xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Tuân thủ tái khám đúng lịch để tránh biến chứng đáng tiếc.
Dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết
Đặc điểm nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân sốt xuất huyết
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường có các biểu hiện như chán ăn, có vị đắng trong miệng,… cần ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng và chia làm nhiều bữa trong ngày để người bệnh dễ hấp thu. Mặt khác, sức đề kháng và hệ miễn dịch của bệnh nhân lúc này suy giảm, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch, phòng nguy cơ biến chứng. Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hồi phục (từ ngày 7-10 của bệnh). Đây là thời điểm bệnh nhân cần tăng năng lượng, đạm, tăng lượng ăn cho mỗi bữa ăn và ăn thêm bữa phụ như sữa chua, sữa, trái cây. Cần ăn đủ thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa,… Người bệnh tránh lo lắng ngủ, nghỉ đầy đủ, làm việc, học tập điều độ, tập thể dục nhẹ nhàng,…
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue
Khi bệnh sốt xuất huyết người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau khớp,… nên thường xuyên mệt mỏi, chán ăn. Sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước, người bệnh cần uống nhiều nước lọc, nước trái cây và Oresol theo đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định. Trong đó, các loại nước ép trái cây như chanh, cam, bưởi chứa nhiều vitamin C tăng cường đề kháng, vững thành mạch, có lợi cho người bệnh sốt xuất huyết. Nước dừa chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung điện giải cho cơ thể trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, cơ thể mất nước.
Ngoài ra, bệnh nhân sốt xuất huyết cần lượng protein cao để phục hồi nhanh chóng. Trong chế độ ăn, người bệnh cần bổ sung thêm các loại thịt, cá, trứng và sữa. Các loại thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (gà, bò,…) tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đối với trẻ đang bú mẹ nhiễm sốt xuất huyết cần được cho bú như bình thường. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, cha mẹ nên nấu đa dạng nhiều món ăn, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, kẽm, sắt,… Ngoài bữa chính, trẻ nên uống thêm sữa, nước cam để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Một số lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần cân đối nguồn dinh dưỡng đầy đủ, nhất là cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Không cần kiêng tuyệt đối loại thực phẩm nào, nhưng cũng cần hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, gây đầy bụng, khó tiêu. Không ăn các loại thực phẩm cay, nóng, không uống nhiều rượu, bia, chất kích thích.
Tránh thức ăn có màu sẫm như củ dền, tiết canh,… Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nhưng lại khiến bác sĩ hiểu nhầm với triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa.
Phòng lây nhiễm sốt xuất huyết cho người xung quanh
Trong những tuần đầu nhiễm bệnh sốt xuất huyết, virus được tìm thấy trong máu người bệnh. Do đó, để phòng tránh lây truyền sốt xuất huyết cho những người trong gia đình qua đường muỗi đốt, người bệnh cần phòng tránh muỗi bằng những cách sau:
- Mặc áo dài tay và quần dài;
- Ngủ màn kể cả ban ngày;
- Không cho trẻ chơi ở những chỗ tối;
- Sử dụng điều hòa nếu có;
- Sử dụng thuốc xịt muỗi, nhang muỗi;
- Diệt muỗi và loăng quăng;
- Đậy nắp thùng nước, súc rửa lu, vại thường xuyên, dọn nước đọng quanh nhà, thả cá bảy màu diệt loăng quăng.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đòi hỏi người thân phải đặc biệt quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, tình trạng bệnh của bệnh nhân. Cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất nếu xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ bệnh trở nặng.