Bắt đầu từ thời điểm ăn dặm, hằng ngày các mẹ sẽ có thêm nỗi lo mới là phải làm sao để bữa ăn của bé vừa khoa học, an toàn mà lại đủ dinh dưỡng để con phát triển. Gia vị là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, đặc biệt khi nấu cho trẻ. Gia vị như muối, mắm hay các loại thảo mộc không chỉ tạo hương vị đặc trưng cho món ăn mà còn cung cấp những dưỡng chất cần thiết để bé phát triển khỏe mạnh. Nhưng việc sử dụng không đúng cách cũng sẽ gây hại cho sức khỏe của con thơ, vì vậy mẹ cần nắm vững kiến thức về nêm gia vị cho bé để nuôi dạy con khoa học.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em dưới 1 tuổi nên hạn chế lượng muối, đường và bột ngọt tiêu thụ trong mỗi bữa ăn. Thậm chí, muối và bột ngọt gần như bị xem là “chất cấm” trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ vì những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vậy, có phải khi nấu thức ăn cho con, mẹ không cần nêm nếm thêm bất cứ thứ gì? Liệu có loại gia vị nào thực sự an toàn cho bé?
Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ tuyệt đối không nên nêm nếm bất kì loại gia vị nào cho trẻ.
Mặc dù, trẻ đã bắt đầu tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi, nhưng mẹ chỉ cần chế biến và giữ nguyên các hương vị sẵn có của món ăn. Trong thịt, cá, rau củ cũng đã có sẵn lượng gia vị nhất định để cung cấp cho cơ thể trẻ.
Trên 12 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho gia vị vào bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, cần nêm nếm theo liều lượng nhất định, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
2. Khẩu vị của trẻ luôn nhạt hơn người lớn
Các mẹ phải luôn nhớ rằng, khẩu vị của bé luôn nhạt hơn người lớn. Khi mẹ nêm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi, bột/cháo của trẻ thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó đã bị mặn so với các bé rồi.
Một bí quyết dành cho mẹ là có thể cho một lượng phô mai phù hợp vào bát bột/cháo của trẻ để có vị mặn thay vì dùng muối/nước mắm. Với cách làm này, bát bột/cháo của trẻ cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.
3. Lượng gia vị của trẻ trong 1 ngày
Mẹ có thể tham khảo bảng sau:
4. Những loại gia vị nào “lành tính” cho bé?
Để làm tăng mùi vị cho món ăn của con, mẹ có thể sử dụng một số loại gia vị sau:
- Vani
- Tiêu
- Tỏi – nghiền nhỏ hay bột
- Húng quế
- Thì là
- Kinh giới
- Vỏ chanh
- Gừng
- Quế
- Bạc hà
Đây là những loại gia vị khá “hiền” và có thể dễ dàng kết hợp trong món ăn của bé. Đặc biệt, nếu được nếm thử các món được chế biến với nhiều loại gia vị ngay từ khi con nhỏ cũng sẽ hạn chế được tình trạng kén ăn khi trẻ lớn lên.
5. Mẹ phải làm gì Khi không thể nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm?
Nhiều mẹ khi gặp phải tình trạng con không chịu ăn dặm, liền nghĩ ngay đến việc thức ăn dặm của con quá nhạt nhẽo, không ngon nên vội vàng sử dụng thêm gia vị. Trước khi cân nhắc sử dụng gia vị, mẹ có thể áp dụng cách sau:
Sử dụng món súp hoặc canh: Ngay cả khi không có gia vị, nếu mẹ dùng soup hoặc các món canh rau phù hợp thì cũng có thể thay đổi khẩu vị bữa ăn của bé. Mẹ cũng nên sử dụng nước dùng Dashi trong khi chế biến giúp bổ sung thêm hương vị cho món ăn.
Đối với nhiều mẹ bận rộn thì sẽ rất khó để nấu 1 ít soup cho mỗi bữa ăn, vì vậy mẹ có thể nấu nhiều và sử dụng cách đông lạnh thức ăn dặm. Sau đó mỗi lần ăn, mẹ chỉ việc lấy ra 1 ít, rã đông và cho trẻ ăn mà không tốn nhiều thời gian.
6. Tác hại khi mẹ nêm mắm muối quá mặn cho con
Khi trẻ được ăn thừa lượng muối thì lượng dư này sẽ được thải qua nước tiểu. Lượng muối quá nhiều sẽ là gánh nặng cho phần thận vẫn còn non nớt của trẻ khiến thận của trẻ phải làm việc “cật lực” hơn về lâu dài dễ đưa đến các bệnh về cao huyết áp, tổn hại thận, phù thũng, rối loạn nhịp tim,…
Đồng thời do ăn mặn nên lượng nước uống vào tăng, nếu vượt mức cần thiết thì tăng áp lực thẩm thấu vào máu, nước được tích giữ làm hại hệ tim mạch. Hàm lượng muối thừa cũng là nguyên nhân khiến trẻ béo phì.
Việc ăn nhiều muối cũng làm cho cơ thể kém hấp thu kẽm, gây nên tình trạng biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.
7. Những lưu ý khác cho mẹ khi nêm gia vị vào thức ăn cho trẻ
- Cho muối vào bột ăn dặm hoặc cháo không hề tốt như mẹ nghĩ vì vậy mẹ nên hạn chế cho hoặc cho nhạt để kích thích vị giác của trẻ.
- Mẹ có thể thay thế muối bằng phô mai vì trong phô mai cũng có hàm lượng muối nhất định, chúng lại giàu dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
- Khi cho trẻ ăn bột ăn dặm hoặc cháo, nên cho trẻ ăn cả cái lẫn nước vì nếu chỉ ăn phần nước sẽ không đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, mẹ cũng không nên dùng nước hầm xương để nấu cháo. Nước hầm xương không có nhiều canxi và chứa nhiều chất béo khiến trẻ lâu tiêu và thiếu hụt canxi.
- Tuyệt đối không pha bất kỳ các loại gia vị, chất tạo mùi vị vào sữa công thức hoặc sữa mẹ cho bé uống.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng thử bất cứ loại thức ăn nào, nhất là những loại có nguy cơ gây dị ứng.
- Vị giác của trẻ nhạy cảm hơn rất nhiều so với người lớn. Vì vậy, mẹ nên nếm trước khi cho trẻ ăn để đảm bảo món ăn không quá mặn hoặc quá ngọt với trẻ.
- Không nên ngay lập tức nêm gia vị vào bữa ăn cho trẻ theo liều lượng trên. Chỉ nên cho một lượng ít gia vị và tăng dần để trẻ tập làm quen với mùi vị mới.
- Khi thử cho trẻ ăn loại gia vị mới, mẹ nên theo dõi trẻ trong 4 ngày để xem phản ứng của trẻ với việc thay đổi thức ăn như thế nào.
- Chỉ nên cho trẻ sử dụng 1 hoặc 2 loại gia vị trong 1 món ăn.
Với mỗi độ tuổi, trẻ có nhu cầu khác nhau nên việc nêm gia vị đúng hay sai ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của bé. Khẩu vị của trẻ không ngừng thay đổi khi con lớn lên từng ngày. Hãy điều chỉnh cách nêm nếm gia vị cho các món ăn của bé để đảm bảo sức khỏe cho con yêu của bạn nhé!
Ăn dặm là một hành trình quan trọng trong đời mỗi đứa trẻ, vì vậy, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ kiến thức để giúp con có một giai đoạn ăn dặm hạnh phúc nhất.