I. Những nguyên nhân gây cháy nổ ở trường học
Nhân viên trường học sử dụng các thiết bị điện không tuân thủ quy định an toàn.
Máy móc, thiết bị điện như máy lạnh, đèn điện, quạt điện, ổ điện, máy tính,… hư hỏng, chập mạch hoặc do hệ thống dây điện quá tải, ngắn mạch.
Do sự bất cẩn trong việc bảo quản, sắp xếp, bảo quản, sử dụng các hoá chất hoặc nguồn nhiệt ở phòng thí nghiệm.
Học sinh nghịch ngợm, chơi đùa với các nguồn lửa, nguồn nhiệt như bật lửa, diêm, pin, pháo… gây cháy nổ.
Do có người hút thuốc trong các phòng họp, thư viện, hội trường,…
Các hành vi đun nấu, thắp hương thờ cúng trái quy định trong khuôn viên trường học.
Do các nơi chứa nhiều xăng dầu như hầm xe không có người giám sát đúng quy định, hoặc do xe hư hỏng dẫn đến phát nổ, cháy bình xăng,…
II. Dạy trẻ xử lý khi có cháy nổ ở trường thế nào?
Khi xảy ra cháy nổ, ngay cả người lớn cũng sẽ có tâm lý hoảng loạn, không biết cách xử lý, trẻ em sẽ càng hoảng sợ và có xu hướng gào khóc, mất bình tĩnh hoặc tìm góc trốn. Đó đều là những việc làm nguy hiểm có thể khiến trẻ bị thương nặng hơn.
Do đó, bạn cần dạy trẻ cách phản ứng và những kỹ năng thoát hiểm cho bé cơ bản khi có cháy theo các nguyên tắc sau:
Khi phát hiện đám cháy dù nhỏ hay lớn, trẻ cũng cần tìm cách tri hô, báo ngay cho người lớn.
Cần ghi nhớ hoặc quan sát lối thoát hiểm, cầu thang thoát hiểm gần nhất để nhanh chóng thoát ra ngoài nếu đám cháy còn nhỏ.
Bình tĩnh tìm sự giúp đỡ của người lớn, các em có thể la lớn để gọi người ứng cứu nhưng hạn chế la khóc vì dễ làm kiệt sức.
Làm theo hướng dẫn của người lớn như giáo viên, bảo vệ nếu có, tuyệt đối không chen lấn, xô đẩy nhau gây hoảng loạn tập thể.
III. Những kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở trường học cho trẻ
Việc dạy những kỹ năng thoát nạn khi có cháy sau cho bé có thể cứu con bạn khỏi nguy hiểm khi có cháy nổ ở trường học:
1. Kỹ năng thoát hiểm cho bé – Kỹ năng bịt khăn ướt
Hãy dạy trẻ biết tìm khăn hoặc mảnh vải sau đó nhúng nước ướt để bịt lên che mũi, miệng trong khi thoát khỏi đám cháy. Chỉ một thao tác nhỏ nhưng miếng khăn, vải ướt sẽ đóng vai trò là một tấm màng lọc không khí, giúp trẻ tránh hít phải khói độc nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
2. Kỹ năng thoát hiểm cho bé – Kỹ năng bò trườn để thoát ra ngoài
Bạn cần dạy trẻ không được đứng thẳng người khi di chuyển ra khỏi đám cháy, mà phải cúi thấp người, càng gần mặt đất càng tốt để tránh hít phải khói độc, có thể di chuyển với tư thế bò trườn đến lối thoát hiểm gần nhất. Khi ra đến chỗ ít khói mới đứng thẳng người để chạy nhanh ra ngoài.
3. Kỹ năng thoát hiểm cho bé – Kỹ năng dập lửa bén vào áo quần
Khi có đám cháy, ngoài nguy cơ từ việc hít khói độc thì còn có nguy cơ bị bỏng do quần áo bị bắt lửa. Do đó, kỹ năng dập lửa cũng cần thiết để giảm tối đa tỷ lệ thương tật cho trẻ em.
Nếu quần áo bị bắt lửa ít, bạn cần dạy trẻ dừng di chuyển ngay lập tức để tránh sức gió làm ngọn lửa lan nhanh, sau đó dùng khăn trải bàn hoặc vải dập lửa.
Nếu ngọn lửa đã cháy thành mảng lớn thì cần nằm xuống sàn hoặc áp mình vào tường ngay lập tức, sau đó lấy một tay che miệng, một tay che mắt, mũi, rồi lăn tròn qua lại để ngăn ngọn lửa tiếp xúc với oxi trong không khí, cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn.
Lưu ý tuyệt đối không lấy tay dập lửa và phải tiến hành dập lửa theo cách trên càng nhanh càng tốt vì quần áo bắt cháy rất nhanh.
4. Kỹ năng thoát hiểm cho bé – Thực hành tìm lối thoát an toàn
Khi có sự cố xảy ra, việc giữ bình tĩnh và xử trí tình huống nhanh là yếu tố sống còn then chốt. Bố mẹ có thể tận dụng các trò chơi gia đình ở nhà để tập cho bé quan sát và nhận diện môi trường chung quanh, thực hành tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết để tập phản xạ nhanh và rèn luyện khả năng xử lý tình huống.
Bé biết cách vẽ sơ đồ ngôi nhà mình đang ở, và luôn xác định được ít nhất 2 lối thoát ra ngoài trong mỗi căn phòng ở nhà. Khi đã quen, bé có thể thực tập xác định lối thoát ra ngoài & vẽ sơ đồ của trường, lớp học, bất kỳ căn phòng nào mình có mặt
Trò chơi trốn tìm quen thuộc không chỉ là cơ hội cả nhà cùng vui, mà là dịp thực tập tốt để bé quen với việc tìm đường thoát ra ngoài và xác định vị trí tập hợp an toàn với bố mẹ, người lớn.