Thiếu sắt và kẽm, trẻ có thể suy giảm đề kháng, dễ ốm vặt, thiếu tập trung. Nặng hơn, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, chậm cao lớn… nhưng bổ sung 2 chất này như thế nào để hợp lý?
Tỷ lệ thiếu sắt và kẽm ở trẻ em Việt Nam nhất là trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, Bộ Y tế thống kê, giai đoạn 2019 - 2020, có 58% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt.
Sắt là nguyên tố cấu tạo nên hồng cầu mang oxy tới các cơ quan. Khi trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, ăn không ngon miệng, chậm tăng cân, miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh, hay cáu kỉnh, khả năng tập trung chú ý kém.
Kẽm tham gia vào thành phần 300 loại enzyme của các phản ứng trong cơ thể cũng như quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể. Kẽm vừa là thành phần cũng vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch, đồng thời cũng tham gia vào tăng sinh các hóc môn tăng trưởng giúp dài xương. Trẻ thiếu kẽm dẫn tới nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus tăng cao hơn.
“Quan trọng như vậy nhưng cha mẹ rất khó nhận biết được tình trạng thiếu kẽm và thiếu sắt của ở trẻ. Chúng ta chỉ nhận biết được khi đã xảy ra hậu quả của thiếu kẽm và thiếu sắt gây ra cho trẻ. Muốn trẻ không bị thiếu 2 vi chất này, cần thường xuyên cung cấp sắt và kẽm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ”.
Thực tế cho thấy, thiếu sắt thường đi đôi với thiếu kẽm và ngược lại. Nồng độ kẽm giảm trong huyết thanh tương quan với các dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt. Sự thiếu hụt kẽm gây ra tình trạng thiếu sắt theo cơ chế ngăn chặn sự hấp thu hoặc huy động sắt từ các mô ở ruột.
Sau 6 tháng, tỷ lệ thiếu kẽm và sắt ở trẻ tăng cao và thường thiếu cùng nhau. Lý do bởi, tới 6 tháng, trẻ mới bắt đầu tập ăn dặm (thường ăn tinh bột trước, ăn đạm rất ít, ăn thăm dò do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và có thể dị ứng với đạm dẫn tới tiêu chảy).
Không phải cứ cho trẻ ăn nhiều thức ăn giàu sắt và kẽm là trẻ sẽ không bị thiếu hai vi chất này. Kẽm và sắt chủ yếu có trong đạm động vật như trứng, thịt bò, ghẹ, hàu… Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thu sắt kẽm từ thức ăn khá thấp. Trong chế độ ăn hằng ngày, cơ thể chỉ hấp thu được 5-15% lượng sắt và 10-30% kẽm của thực phẩm. Ngoài chế độ ăn không cung cấp đủ sắt kẽm, trẻ dễ bị nhiễm giun sán, rối loạn tiêu hóa thường xuyên cũng là nguyên nhân không nhỏ gây giảm hấp thu sắt, kẽm.
Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc bổ sung cùng lúc cả sắt và kẽm có gây ảnh hưởng cho trẻ hay không? Việc bổ sung kẽm và sắt đồng thời không có sự cạnh tranh hấp thu hay “đánh nhau” giữa hai vi chất này như nhiều người nghĩ. Ngược lại, sắt và kẽm còn hỗ trợ hấp thu qua lại lẫn nhau bởi kẽm và sắt thường thiếu cùng nhau do chúng mối tương quan hỗ trợ trong việc hấp thu.
Mặc dù kẽm và sắt cùng là các kim loại ion hóa 2 nhưng không vận chuyển qua cùng kênh DMT1 như sắt, canxi. Kẽm hấp thu qua một thụ thể khác là ZIP4 và khi vào lòng tế bào có vai trò làm tăng hấp thu sắt thông qua việc tăng protein thụ thể DMT1 và mRNA. Không chỉ thế, sắt được hấp thu chủ yếu ở đầu tá tràng, còn kẽm hấp thu ở ruột non. Đặc biệt, khi tỷ lệ sắt và kẽm tương đương dưới 2:1 nhất là khi tỷ lệ 1:1 sẽ không có sự ức chế nào đối với sự hấp thu của 2 vi chất này.
Khi bổ sung sắt và kẽm, việc cân bằng hàm lượng của hai yếu tố này cực kỳ quan trọng. Nên bổ sung cùng lúc cả sắt và kẽm với tỷ lệ tương đương nhau để cơ thể trẻ hấp thu được tốt nhất.
“Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh về hô hấp, tiêu hóa… việc bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt là sắt và kẽm giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ là giải pháp để hạn chế mắc và giảm nhẹ triệu chứng khi trẻ mắc bệnh”.