1. Khi có đám cháy xảy ra
- Ngay khi có đám cháy xảy ra dựa theo các dấu hiệu, tín hiệu như: có khói, nhiệt độ cao bất thường, có còi báo cháy, đèn báo cháy phát ra, các em cần thực hiện ngay các bước sau:
Bước 1: Giữ thái độ bình tĩnh khi phát hiện có hỏa hoạn.
Bước 2: Báo động khẩn cấp bằng cách hô hoán hoặc tạo ra âm thanh lớn để gây sự chú ý.
Bước 3: Lập tức ngắt điện toàn bộ khu vực bị cháy nhưng lưu ý phải dùng vật liệu cách điện để tránh nguy cơ bị điện giật.
Bước 4: Gọi điện thoại ngay tới số 114 và thông báo cháy.
Bước 5: Sử dụng các phương tiện chữa cháy gần nhất để dập lửa như bình chữa cháy, nước… Tuyệt đối không được dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện vì rất dễ xảy ra chạm mạch, cháy nổ bùng phát mạnh mẽ hơn, nước dẫn điện làm chết người.
2. Cách xử lý khi bị bắt lửa vào quần áo:
- Bình tĩnh, không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
- Nằm nhanh xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường phía trước hoặc sau; không lấy tay dập lửa; không được nhảy ngay vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước nếu không chắc chắn đó là nơi an toàn vì nước có thể bị nấu sôi do lửa tác động.
- Một tay che miệng, một tay che mắt, mũi và tiếp tục cuộn tròn cho tới khỉ tắt lửa.
3. Cách xử lý khi thấy người khác bị cháy:
- Trấn an giúp người đó không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
- Dùng chăn chiên đã tẩm nước hoặc dùng các bình bột, chữa cháy, nước để dập tắt lửa.
- Đưa người bị cháy đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.
4. Cách sơ cứu người bị ngừng thở:
- Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng mạch còn đập, tiến hành hô hấp nhân tạo sau đỏ kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ và tiếp tục hô hấp cho đến khi nạn nhân bắt đầu tự thở được hoặc đến khi có người đến giúp đỡ.
- Nếu nạn nhân ngừng thở và mạch cũng ngừng đập phải tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Người cứu cần thực hiện 1 chu kỳ: 2 lần thổi ngạt sau đó ép tim 30 lần. Dừng lại để kiểm tra tim, phổi nạn nhân. Nếu nạn nhân tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì vẫn cấp cứu theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hoặc nhân viên y tế đến.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe.
5. Cách sơ cứu người bị bỏng
- Sử dụng nước sạch (nhiệt độ nước tốt nhất là từ 16 - 200 C để ngâm và rửa vết bỏng. Nên tận dụng các nguồn nước sẵn có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng...
- Có thể ngâm, rửa phần bị bỏng dưới vòi nước hay trong chậu nước mát hoặc dội liên tục nước sạch lên vùng bỏng hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt.
- Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám vào vết bỏng.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe.
6. Cách sơ cứu người hít phải khói
- Đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đến nơi có không khí trong lành, thoáng. Dập tắt lửa hay lửa cháy trên áo quần nạn nhân.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập của nạn nhân và chuẩn bị hô hấp nhân tạo.
- Đặt nạn nhân ở tư thế hồi sức.
- Cho nạn nhân thở oxy nếu có sẵn và bạn đã được huấn luyện
- Chữa các vết bỏng hay các vết thương tích khác.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe Qua những hình ảnh tư liệu lồng ghép với các tình huống thực tế, các em học sinh đã được giới thiệu và hướng dẫn những kĩ năng cơ bản trong công tác PCCC và CNCH: thao tác ứng phó sự cố cháy nổ khi mới phát sinh, những cách xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy thông thường như bình chữa cháy xách tay dạng bột và khí CO2.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi cán bộ giáo viên hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại trường học, nhà ở…để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.