* Đặc điểm vận động của trẻ 3 – 4 tuổi
Giai đoạn 3 – 4 tuổi, trẻ bắt đầu có sự phát triển nhanh về thể chất, đặc biệt là do sự myelin hóa của hệ thần kinh nên trẻ có thể phối hợp vận động tốt hơn, các giác quan nhạy bén và tinh tế hơn.
Trẻ 3 – 4 tuổi có thể thực hiện các động tác vận động toàn thân, thậm chí chơi các môn thể thao đòi hỏi sự linh hoạt trong chuyển động cơ thể như đá cầu, leo trèo, lộn xà…, tuy chưa thể thành thạo nhưng các em cũng có thể thực hiện được các hoạt động này ở mức cơ bản. Một vài hoạt động thể chất các em hãy thực hiện thường là là chơi nhảy dây, nhảy lò cò 1 chân, chạy, đá bóng….
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu cảm thấy tò mò về thế giới xung quanh và mong muốn khám phá nhiều hơn; cử động của bàn tay cũng linh hoạt hơn qua các hoạt động cầm, nắn, bóp các đồ vật. Đặc biệt, một vài trò chơi như rút gỗ hay lắp ráp, xếp hình sẽ giúp các em phát triển các vận động tinh tế hơn.
1. Trò chơi Vượt chướng ngại vật
Trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển được các kỹ năng vận động như đi, bò, trườn đặc biệt giúp tăng khả năng giữ thăng bằng của trẻ.
“Vượt chướng ngại vật” là trò chơi giúp con phát triển toàn diện các hệ cơ cốt lõi
Chuẩn bị: Các loại dây mềm có sẵn trong nhà như: ruy băng, dây gai…
Cách chơi: Ba mẹ và con hãy cùng chăng dây ở trong phòng tạo thành một mạng lưới có chiều cao khoảng 20 – 25 cm và một mạng lưới thứ 2 có chiều cao dây so với mặt đất khoảng 40 – 45cm.
Với mạng lưới dây cao 20 – 30 cm ba mẹ hướng dẫn bé vượt chướng ngại vật bằng cách bước qua dây và cố gắng không để chạm chân vào dây. Sau đó tiếp tục hướng dẫn bé vượt qua chướng ngại vật thứ 2 với kỹ năng bò hoặc trườn bố mẹ nhé.
2. Trò chơi vận động “Đá bóng trúng đích”
Đây là một trò chơi đơn giản nhưng sẽ giúp các con có những kỹ năng rất quan trọng như sự linh hoạt trong di chuyển, sự khéo léo và cảm giác bóng trong kỹ năng sút bóng.
Trò chơi đá bóng trúng đích giúp bé phát triển sự linh hoạt trong chuyển động của cơ thể
Chuẩn bị:
- Bóng hơi
- Cốc nhựa hoặc chai nhựa
Cách chơi:
Đầu tiên, ba mẹ xếp cốc (chai nhựa) theo vị trí và khoảng cách phù hợp để bé có thể đá bóng tới. Sau đó, đặt bóng tại một vị trí và đặt ra các thử thách đá bóng trúng đích. Thực hiện và thay đổi thử thách bằng cách đá ở khoảng cách xa hơn hoặc bịt mắt để đá bóng làm đổ cốc, tạo hứng thú cho bé khi chơi.
3. Trò chơi Nhảy lò cò
Tuy đơn giản nhưng trò chơi này lại cực kỳ có tác dụng trong việc rèn luyện cả tư duy, trí tuệ và sự phát triển thể chất ở trẻ, phụ thuộc vào sự sáng tạo của bố mẹ khi thiết lập trò chơi.
Trò chơi “Nhảy lò cò” giúp rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn, khéo léo, linh hoạt cho trẻ
Chuẩn bị: Phấn vẽ
Cách chơi: Ba mẹ vẽ các ô hình dạng bất kỳ trên sàn, số lượng tùy ý và ghi số hoặc chữ cái vào các ô đó. Tiếp theo, bé sẽ đứng tại vị trí bắt đầu và nhảy vào ô mà bé chọn. Ba mẹ cũng có thể tạo độ khó cho trò chơi bằng cách đọc chữ cái/con số và chỉ định bé nhảy vào đúng ô mình đã chỉ định. Việc này không chỉ giúp bé phát triển được kỹ năng đứng, nhảy lò cò mà còn giúp con làm quen với các con số/chữ cái khi còn nhỏ và học được chúng nhanh hơn.
4. Trò chơi vận động: Ghế âm nhạc
Ghế âm nhạc là một trò giúp bé rèn luyện kỹ năng vận động rất tốt, giúp phát triển kỹ năng nghe và chuyển động cơ thể.
Chuẩn bị: Vài chiếc ghế nhỏ cho bé
Cách chơi: Đặt ghế theo một đường zíc zắc. Bé sẽ chạy quanh những cái ghế này theo tiếng nhạc. Khi nhạc dừng lại, bé sẽ ngồi vào ghế gần nhất của mình. Bé nào không có ghế sẽ bị loại. Bố mẹ có thể lấy bớt một cái ghế sau mỗi hiệp để trò chơi gay cấn hơn. Các bé và ghế sẽ lần lượt bị loại cho đến khi còn một người cuối cùng ngồi trên ghế và đó là người chiến thắng. Trò chơi này cần tối thiểu 3 bé, phụ huynh có thể chơi cùng con cho thêm phần hấp dẫn.
Những hoạt động trên không chỉ giúp các bé vui vẻ, hoạt bát hơn trong những ngày ở nhà mà còn giúp rèn luyện các kỹ năng vận động tốt cho sức khỏe.