1. Các giai đoạn tăng trưởng chiều cao ở trẻ
Có ba giai đoạn phát triển chiều cao vượt bậc ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý đến như:
Thời kỳ trẻ còn trong bụng mẹ
Trong suốt 9 tháng trong bụng mẹ, thai nhi sẽ nhận hoàn toàn dinh dưỡng từ người mẹ. Do đó, để con phát triển tốt nhất, mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bản thân và thai nhi qua chế độ ăn uống hàng ngày. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể mẹ có thể tăng từ 10 - 20 kg và con sẽ nặng trung bình từ 2,5 – 4 kg, chiều cao từ 45 – 50cm khi chào đời. Đây được coi là “bước nền” rất quan trọng, quyết định rất nhiều đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ trong những năm tháng đầu đời.
Giai đoạn trẻ sơ sinh đến khi trẻ lên 3 tuổi
12 tháng đầu tiên sau khi chào đời trẻ sẽ phát triển rất nhanh về chiều cao, trung bình bé tăng khoảng 20 – 25 cm, thậm chí còn cao hơn. Trong 2 năm tiếp theo, mỗi năm trẻ sẽ cao thêm khoảng 10cm nếu được chăm sóc tốt với chế độ dinh dưỡng cân bằng và môi trường sống thuận lợi.
Khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì
Độ tuổi bắt đầu dậy thì của bé gái là từ 9 - 11 tuổi và với trẻ trai là từ 11 - 13 tuổi. Trong giai đoạn dậy thì này, cơ thể trẻ có sự phát triển mạnh mẽ về vóc dáng và tâm sinh lý. Đặc biệt, trẻ sẽ tăng vọt về chiều cao, trung bình trẻ có thể cao lên 8 – 12 cm mỗi năm trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, vận động hợp lý và lối sống sinh hoạt lành mạnh.
Sau giai đoạn dậy thì, cơ thể trẻ sẽ vẫn có sự thay đổi về chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm, thậm chí là không phát triển nữa. Chính vì vậy, đây là “cơ hội” cuối cùng để cải thiện chiều cao ở trẻ. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động, thói quen sinh hoạt của trẻ trong từng giai đoạn phát triển, để giúp con đạt được chiều cao lý tưởng.
2. Dấu hiệu cho thấy bé bắt đầu phát triển chiều cao
Dưới đây là những “tín hiệu” cho thấy con bắt đầu phát triển chiều cao cha mẹ cần “nắm bắt” ngay để giúp trẻ cải thiện chiều cao, vóc dáng hiệu quả.
Trẻ thèm ăn, ăn nhiều hơn
Nếu con có dấu hiệu đòi ăn, thèm ăn và ăn ngon miệng hơn bình thường chứng tỏ cơ thể bé đang cần cung cấp “nguyên liệu” để phát triển chiều cao và cân nặng mạnh mẽ nhất. Lúc này, cha mẹ nên cho bé ăn uống đầy đủ dưỡng chất cần thiết và bổ sung thêm một số thành phần có lợi đối với phát triển chiều cao để bé tăng trưởng một cách tốt nhất.
Bé ngủ hay đạp chân
Trẻ em trong giai đoạn phát triển chiều cao thường dễ bị rơi vào trạng thái hoạt động trong giấc mơ, như mơ thấy mình đang chạy nhảy, chơi đùa… nên thường có những hành động vô thức là đạp chân hay đá chân, vung tay. Vì vậy, nếu bạn thấy trẻ có những hành động này trong khi ngủ thì tức là trẻ đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh.
Bé hay kêu đau chân
Ngoài lí do va chạm, chấn thương trong khi vui chơi, vận động thì khi bé kêu đau chân hay tê chân cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phát triển vượt trội về chiều cao. Khi thấy con có biểu hiện này, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, bởi cơ thể bé đang trong giai đoạn tăng trưởng chiều cao nhanh nhất. Lúc này, hormone tăng trưởng tiết ra nhiều hơn và tác động mạnh đến các khớp xương. Các khớp xương phát triển dài ra có thể xuất hiện các cơn đau nhẹ, tê buồn ở chân, nhất là vào buổi tối.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ kêu đau nhiều, đau liên tục thì phụ huynh cần đưa bé đi khám để phòng ngừa nguy cơ thiếu canxi hay gặp một vấn đề gì đó về xương khớp.
3. Những yếu tố làm bé thấp lùn
Bên cạnh gen di truyền không thể can thiệp thì có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà hầu hết các bậc phụ huynh thường hay bỏ qua hoặc rất dễ mắc phải trong quá trình nuôi con như:
Uống quá nhiều nước ngọt, đồ uống có ga, đồ ăn nhiều muối
Các loại nước trên không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe mà còn cản trở sự hấp thụ canxi của xương, khiến xương yếu đi và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao. Vì thế, bố mẹ nên hạn chế bé sử dụng các loại đồ uống này và thay vào đó bằng các loại nước ép trái cây, củ quả tươi vừa tốt cho sức khỏe vừa hỗ trợ quá trình chuyển hóa và hấp thu canxi tốt hơn.
Hệ tiêu hóa bị nhiễm khuẩn
Theo một kết quả nghiên cứu về trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại 4 quốc gia đang phát triển, các bé dưới 2 tuổi gặp vấn đề về tiêu hóa như bị tiêu chảy từ 28 ngày mỗi năm sẽ giảm 0.38 cm khi các bé qua 2 tuổi. Khi hệ tiêu hóa của trẻ bị nhiễm khuẩn sẽ hoạt động yếu đi, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn. Trẻ rất dễ bị biếng ăn, tiêu chảy, suy dinh dưỡng… khiến chiều cao trẻ luôn “dậm chân” tại chỗ.
Do đó, cha mẹ cần chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế sự lây nhiễm các bệnh tiêu hóa do nhiễm khuẩn.
Môi trường sống
Yếu tố môi trường sống xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ sống trong môi trường lành mạnh, không bị ô nhiễm sẽ phát triển thuận lợi hơn những trẻ sống trong những nơi kém phát triển, không đủ nước sạch, ồn ào, ẩm thấp hoặc bị ô nhiễm.
Dậy thì sớm
Đậy thì sớm là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển chiều cao ở trẻ vị thành niên. Khi trẻ dậy thì sớm hơn tuổi, cơ thể sẽ tiết ra các hormone tăng trưởng để kích thích sự phát triển xương khiến trẻ cao lên rất nhanh. Thế nhưng, các đầu xương cũng cứng lại rất nhanh khiến trẻ không thể cao lên được nữa. Thực tế, những trẻ bị dậy thì sớm thường có chiều cao khiêm tốn hơn các bạn cùng trang lứa.
Không chăm sóc tốt giai đoạn thai kỳ
Trong quá trình mang thai, người mẹ không đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bản thân, dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi như canxi, vitamin B, C, sắt, kẽm… Điều này làm ảnh hưởng đến vóc dáng, cân nặng của bé. Vì thế, một số bé sinh ra bị nhẹ cân hoặc phát triển thấp bé hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Ngồi xem tivi, chơi điện tử quá nhiều
Nhiều phụ huynh vì muốn dỗ con ăn ngon mà thường bật tivi hay điện thoại, ipad để cho con xem. Điều này vô tình khiến các bé tiếp xúc với đồ công nghệ từ sớm, dẫn đến thói quen “nghiện” các thiết bị điện tử. Mặt khác, trẻ ngồi một chỗ hàng tiếng chỉ để xem tivi hay chơi điện tử sẽ ảnh hưởng đến cột sống và kìm hãm sự phát triển chiều cao.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần rèn cho trẻ cách ngồi đúng tư thế để tránh bị cong vẹo cột sống. Ngoài ra nên hạn chế trẻ sử dụng thiết bị điện tử, thay vào đó nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, vừa giúp trẻ vui chơi thoải mái vừa có thể bổ sung vitamin D giúp cải thiện sức khỏe và hỗ trợ tăng chiều cao đáng kể.
Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, vitamin D, MK7, kẽm, vitamin…
Chế độ dinh dưỡng ở giai đoạn đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất cũng như vóc dáng của trẻ. Nếu bé không được cung cấp đầy đủ các khoáng chất như kẽm, vitamin A và vitamin nhóm B1, B2 và B3 sẽ khiến cơ thể và trí não chậm phát triển, dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt nếu thiếu canxi – thành phần quan trọng cấu tạo nên xương, vitamin D và MK7 (có vai trò vận chuyển canxi vào xương) trẻ rất dễ bị còi xương và dẫn đến nguy cơ thấp lùn sau này.
Bổ sung quá nhiều canxi
Bất cứ chất dinh dưỡng nào dù tốt đến đâu nếu dư thừa cũng gây nên tác dụng phụ, và canxi cũng không ngoại lệ. Không thể phủ nhận vai trò của canxi đối với sự phát triển chiều cao của cơ thể. Thế nhưng cơ thể của trẻ chỉ tiếp thu một lượng canxi vừa đủ để xương hoàn thiện và phát triển tốt nhất. Chính vì vậy, nếu cha mẹ không hiểu kỹ và bổ sung quá nhiều canxi cho trẻ gây dư thừa và tích tụ canxi trong máu. Canxi này sẽ đi vào xương khiến xương cứng sớm, điều này không chỉ khiến chiều cao chậm phát triển mà còn dẫn tới 1 loạt ảnh hưởng về sức khỏe khác.
4. Cách tăng chiều cao cho trẻ đúng chuẩn?
Khoa học đã chứng minh chiều cao của một người chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: dinh dưỡng (32%), chế độ sinh hoạt (25%), di truyền (23%) và luyện tập thể dục thể thao (20%). Như vậy, bên cạnh yếu tố di truyền không thể can thiệp, cha mẹ có thể tác động đến dinh dưỡng, luyện tập và thói quen sinh hoạt hàng ngày để cải thiện chiều cao cho con.
Dưới đây là một vài cách giúp tăng chiều cao tự nhiên cho trẻ hiệu quả.
4.1. Chú ý hơn trong thời kỳ mang thai và sau sinh
Trong suốt giai đoạn thai kỳ, mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình, bởi thời điểm trẻ còn nằm trong bụng mẹ, trọng lượng và chiều cao của trẻ sẽ quyết định khá nhiều đến sự tăng trưởng của trẻ sau khi chào đời.
Chính vì vậy trước thời khi mang thai, trong quá trình mang thai và khi cho con bú, chị em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đạm, sắt, kẽm, canxi, axit folic, các axit béo chưa no (DHA, ARA),… để con phát triển khỏe mạnh, đạt chiều cao và cân nặng chuẩn khi còn trong bụng mẹ.
4.2. Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, chiều cao của trẻ, và trong từng giai đoạn phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng khác nhau.
Bữa ăn hàng ngày của trẻ cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất sau: đạm (chiếm 10 - 15% tổng năng lượng), tinh bột (chiếm 60 - 65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm 10% tổng năng lượng) và các vitamin, khoáng chất thiết yếu khác. Các nhóm thực phẩm này cần được đưa vào các bữa ăn một cách cân bằng và đa dạng các món ăn. Không nên ăn nhiều quá hoặc bỏ sót bất kỳ một chất nào dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng.
Trong nhóm đạm cần thay đổi món liên tục với thịt, cá, tôm, cua, lươn, đậu hũ... Ngoài 3 bữa chính một ngày, bạn nên bổ sung cho con từ 2-3 bữa ăn phụ.
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các dưỡng chất giúp phát triển chiều cao tối đa như canxi, vitamin D3, vitamin K2, kẽm... và thành phần tăng cường sức đề kháng như vitamin A, E, C, Selen… Ngoài ra, cần thường xuyên cho trẻ vận động, chạy nhảy ngoài trời để cơ thể hấp thụ vitamin D tự nhiên từ ánh nắng mặt trời giúp hấp thụ canxi một cách hiệu quả hơn.
Nhu cầu canxi ở mỗi lứa tuổi là khác nhau, chính vì thế, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung lượng canxi phù hợp với con. Các loại thực phẩm như sữa, cá con, xương ống động vật, cua, rong biển... là nguồn cung cấp canxi hiệu quả và an toàn. Việc bổ sung canxi bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác hại của thừa canxi.
4.3. Tạo thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần tạo cho con những thói quen sinh hoạt khoa học để giúp con tăng chiều cao hiệu quả.
Hạn chế trẻ tiếp xúc với đồ công nghệ cao
Thói quen dùng điện thoại, xem ti vi hay chơi điện tử quá lâu không chỉ tạo tư thế xấu gây cản trở sự phát triển của xương mà còn làm ảnh hưởng đến thị lực.
Đi ngủ đúng giờ, đủ giấc
Thời điểm xương phát triển mạnh nhất là lúc bé đang ngủ say, đặc biệt từ 23h đến 3h sáng. Đây là khoảng thời gian tuyến yên hoạt động mạnh nhất và tiết lượng lớn hormone tăng trưởng giúp xương phát triển tốt hơn. Vậy nên cha mẹ hãy chú ý cho con ngủ đủ trước 22h và ngủ đủ 8 tiếng mỗi tối.
Để giúp bé nhanh đi vào giấc ngủ, mẹ nên đảm bảo điều kiện không ánh sáng, hạn chế tiếng ồn, nên sử dụng nệm, gối giúp bé có tư thế ngủ thoải mái, mặc quần áo mềm mại, rộng rãi, tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ… để giúp bé ngủ ngon và sâu hơn.
Chia nhỏ bữa ăn
Thay vì ăn no vào 3 bữa chính, bạn nên cho bé ăn vừa phải và bổ sung thêm 2-3 bữa phụ mỗi ngày để kích hoạt khả năng chuyển hoá của cơ thể, tăng cường khả năng hấp thụ và bổ sung thêm năng lượng cho trẻ một ngày hoạt động hiệu quả.
Tham gia các hoạt động thể chất
Để xương phát triển khỏe mạnh, việc rèn luyện thể dục, thể thao là rất cần thiết. Trẻ quen lối sống thụ động, ngồi một chỗ, lười vận động sẽ ức chế sự phát triển của cơ, xương và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chiều cao. Bởi vậy, cha mẹ hãy hướng con tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện hàng ngày cũng là cách tăng chiều cao cho trẻ hiệu quả.
Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời
Ánh nắng mặt trời cung cấp nguồn vitamin D tự nhiên rất cần thiết đối với sự phát triển của xương. Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D thì xương sẽ không hấp thụ được canxi sẽ trở nên yếu dần, chiều cao vị thế cũng “đứng yên”. Chính vì vậy, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 15 phút mỗi ngày cũng là một trong những phương pháp cải thiện chiều cao cho trẻ hiệu quả.
Lưu ý, nên tắm nắng khi mình minh hoặc vào buổi chiều tà. Bởi đây là hai thời điểm ánh nắng thích hợp nhất giúp cơ thể hấp thu lượng vitamin D cần thiết cho quá trình phát triển và hạn chế tối đa tác hại từ tia cực tím đối với cơ thể trẻ.
Sinh hoạt đúng tư thế
Tư thế sinh hoạt hàng ngày cũng rất quan trọng đối với việc tăng chiều cao của trẻ. Tư thế đúng là đi đứng thẳng người, ngồi học đầu và cổ phải thẳng ngay ngắn, không cúi gập người hoặc gục trên bàn.
Tạo cho trẻ môi trường sống tốt nhất
Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển trí tuệ và thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ sống trong điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển, môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch… có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thấp còi cao. Bởi vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con sống trong môi trường lành mạnh với điều kiện đầy đủ để con phát triển toàn diện.
Mặt khác, cha mẹ cũng cần hạn chế hút thuốc lá, bởi việc hít phải khói thuốc thụ động gây ức chế quá trình tiết hormone, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của xương và gây nhiều bất lợi đến sức khỏe và chiều cao của trẻ.