Trong bối cảnh ngày nay, các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách về tai nạn giao thông. Để giảm thiểu tác hại của vấn đề này, cần tập trung giáo dục ý thức của con người, bởi đây là một trong những nguyên nhân tạo nên những thách thức trên. Chương trình giáo dục An toàn giao thông (ATGT) nên bắt đầu từ giáo dục mầm non, việc lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông cho trẻ từ lứa tuổi mầm non là cần thiết, là một việc làm lâu dài, phải được thực hiện trong quá trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân và liên tục được thực hiện trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” nhằm phát triển nội dung giáo dục an toàn giao thông trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, giúp trẻ em có nhận thức ban đầu về các phương tiện giao thông thông dụng, một số quy định của Luật Giao thông; Hình thành và củng cố ở trẻ các hành vi đúng khi tham gia giao thông; Giáo dục trẻ có ý thức và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và hành vi ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và cha mẹ trẻ, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông trong các hoạt động giáo dục trẻ ở trường mầm non.
Tại các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay, việc thực hiện các nội dung giáo dục ATGT cho trẻ mầm non thường được thực hiện trong chủ đề “Phương tiện và luật lệ giao thông”. Tuy nhiên, để trẻ có được một lượng kiến thức lớn hơn về an toàn giao thông thì chúng ta không chỉ giáo dục trẻ trong chủ đề đó mà cần phải mở rộng ra bằng cách lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông trong tất cả các hoạt động của trẻ ở trường, điều đó sẽ giúp trẻ có được những kiến thức cơ bản về ATGT.
Khi lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong trường mầm non giáo viên cần thực hiện những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Nội dung giáo dục trẻ về ATGT được lồng ghép tích hợp trong tất cả các lĩnh vực giáo dục (giáo dục phát triển thể chất; giáo dục phát triển nhận thức; giáo dục phát triển ngôn ngữ; giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; giáo dục phát triển thẩm mỹ), được thực hiện trong các hoạt động đa dạng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, giúp trẻ dễ ghi nhớ và thực hiện.
Ví dụ: Tích hợp giáo dục ATGT trong lĩnh vực phát triển thẩm mỹ được giáo viên thực hiện bằng cách cho trẻ vẽ các bức tranh về giao thông phù hợp với độ tuổi như: vẽ phương tiện giao thông, biển báo giao thông, bé tham gia giao thông…. Qua các sản phẩm đó, giáo viên có thể giáo dục ATGT cho trẻ một cách nhẹ nhàng, linh hoạt.
Nguyên tắc 2: Nội dung giáo dục trẻ về an toàn giao thông được lồng ghép, tích hợp hợp lý, nhẹ nhàng, không áp đặt, khiên cưỡng trong các hoạt động đa dạng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, giúp trẻ dễ ghi nhớ và thực hiện. Đặc biệt, được tổ chức thông qua trò chơi, trải nghiệm, thực hành.
Tâm lí của lứa tuổi mẫu giáo là học mà chơi, chơi mà học. Đặc biệt với giáo dục luật lệ an toàn giao thông là một vấn đề khó thì việc đưa nhẹ nhàng các quy tắc quy định của luật lệ an toàn giao thông vào trò chơi là một việc không thể thiếu được. Các trò chơi càng mới lạ, càng sinh động thì lại càng hấp dẫn trẻ hơn. Thay vì tổ chức cho trẻ học Luật Giao thông qua tranh, ảnh, video trong lớp giáo viên cho trẻ đóng vai, thực hành một số quy định của Luật Giao thông ở khu chơi giao thông của trường hoặc giáo viên tự sắp xếp, bố trí trong lớp hoặc ngoài sân trường... Giáo viên có thể sử dụng các đồ chơi để xây dựng các mô hình giao thông để giáo dục ATGT cho trẻ như: “Ngã tư đường phố”, “Con đường về nhà”, “Vòng xuyến giao thông”… để trẻ thực hành.
Ví dụ: Trò chơi: “Đi đúng quy định giao thông”
Cách chơi: Mỗi trẻ cầm một vô lăng hoặc mô hình xe và đứng vào vị trí ngã tư đã vẽ và theo dõi các tín hiệu của người điều khiển giao thông để được đi hoặc dừng lại. Trò chơi này giúp trẻ làm quen với việc đi lại trên đường và tuân theo các quy định về an toàn giao thông.
Nguyên tắc 3: Nội dung giáo dục an toàn giao thông có thể được tích hợp trong cả một hoạt động, một phần của hoạt động hoặc liên hệ thực tế đảm bảo phù hợp với khả năng của trẻ và phù hợp với tình huống, hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ 1: Tích hợp trong hoạt động ngoài trời
Cô giáo cho trẻ quan sát các phương tiện giao thông lưu thông trên đường, bên cạnh đó đặc ra nhiều câu hỏi để trẻ trả lời, từ đó trẻ sẽ nắm được phần nào về tên gọi, đặc điểm... và cách hoạt động của các phương tiện. Kết hợp giáo dục trẻ về những hành động đúng hoặc không đúng khi tham gia giao thông như: ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, phải chở đúng số người quy định, khi đi phải đi bên phía phải…
Ví dụ 2: Cho trẻ tham gia trải nghiệm về ATGT tại nơi mình sống
Phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non này có tác dụng vô cùng hiệu quả. Trẻ được cô giáo đưa đi trải nghiệm trực tiếp. Cách giáo dục trẻ đạt được mục tiêu trải nghiệm này vô cùng đơn giản. Trên đường đi trải nghiệm, giáo viên kết hợp hướng dẫn trẻ lý thuyết cũng như thực hành để tham gia giao thông an toàn. Những tình huống tham gia giao thông không an toàn trong thực tế cũng giúp bé tự ý thức để tránh. Ví dụ: Không được tự ý chạy ra đường, không được vượt đèn đỏ, không được đi xuống lòng đường...
Nguyên tắc 4: Nội dung lồng ghép, tích hợp giáo dục trẻ về an toàn giao thông cần phù hợp với vùng miền, địa phương, thiết thực với cuộc sống của trẻ.
Ví dụ: Lồng ghép, tích hợp giáo dục ATGT trong hoạt động góc
Hoạt động góc là hoạt động phong phú nó mô tả lại đời sống xã hội với các mảng hiện thực mà trẻ em tái tạo lại, bởi thế cần quan tâm đến các nhóm chơi, tùy vào từng chủ đề để lồng ghép tích hợp giáo dục an toàn giao thông cho các cháu. Khi trẻ chơi trò chơi xây ngã tư đường phố cô giáo có thể đặt ra nhiều câu hỏi để giáo dục an toàn giao thông cho trẻ như: ngã tư đường phố có những gì? xây cái đó để làm gì? có ý nghĩa như thế nào?...Ở góc học tập cô có thể bày biện nhiều loại sách có nội dung, hình ảnh về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ xem và có thể tái tạo lại bằng cách vẽ, nặn, xé dán…
An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, nâng cao ý thức rèn luyện, hiểu biết và chấp hành luật lệ giao thông cho trẻ chính là bảo vệ bản thân trẻ và gia đình. Việc lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông trong tất cả các hoạt động của trẻ ở trường là hoạt động thiết thực trong công tác giáo dục mầm non, giúp trẻ hình thành tư duy ứng xử xã hội trên nguyên tắc thực hiện các qui định xã hội. Giúp trẻ có những trải nghiệm thực tế tạo cơ hội để phát triển tầm nhìn trí tuệ của con người hiện đại trong văn hóa ứng xử văn minh./.