1. Ý nghĩa của giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non
An toàn giao thông là một trong những chủ đề nóng hổi, luôn được xã hội quan tâm. Chính vì vậy, ngay từ lứa tuổi mầm non, các bài học về tham gia giao thông đúng cách đã được lồng ghép vào chương trình dạy cho bé. Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non là cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản giúp trẻ có thêm hiểu biết thiết thực về luật lệ giao thông. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ:
- Giúp bé tham gia giao thông an toàn: khi được trang bị các kiến thức đầy đủ, bé sẽ có ý thức tham gia giao thông đúng đắn. Điều này giúp con tránh khỏi những nguy hiểm trên đường đi học, đi chơi… khi không có người lớn.
- Tạo thói quen tốt từ nhỏ: nếu được giáo dục từ nhỏ, trẻ sẽ ghi nhớ lâu và thực hiện mà không cần đến sự nhắc nhở.
- Hình thành tính kỷ luật, sống có nguyên tắc: giáo dục an toàn giao thông từ sớm giúp bé sống có kỷ luật và nguyên tắc hơn. Đây cũng chính là tiền đề để sau này trẻ trở thành người biết tuân thủ pháp luật và sống có ích cho xã hội.
- Biết phê phán với những hành vi sai: khi ý thức được hành động đúng, đồng thời con cũng sẽ nhận biết được các hành vi sai trái như: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… Nhờ vậy, bé sẽ tránh phạm phải lỗi sai tương tự và biết dũng cảm lên tiếng phê phán các hành vi vi phạm.
- Biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác: không chỉ đem đến lợi ích cho bản thân, bé còn có thể giúp đỡ và chia sẻ với người xung quanh khi con hiểu biết về luật lệ an toàn giao thông. Trẻ có thể giúp người lớn tuổi qua đường, hướng dẫn các bạn tham gia giao thông an toàn hay nhắc nhở khi bố mẹ lơ là. Những điều này giúp bé tự tin và chủ động hơn khi tham gia giao thông và đặc biệt là con sẽ nhận được sự yêu mến từ mọi người.
Ý nghĩa giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non
2. Cách giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non
Trước khi đi vào các kiến thức giáo dục an toàn giao thông, bố mẹ nên kiên nhẫn giải thích cho bé các thông tin cần thiết. Bé phải hiểu rằng nếu không tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm gì cho chính mình và người xung quanh. Khi hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của an toàn giao thông, bé sẽ tiếp thu và học tập tốt hơn. Dưới đây là một số gợi ý mà bố mẹ có thể ứng dụng trong các bài học của con.
2.1. Dạy trẻ về các phương tiện giao thông
Bài học cơ bản đầu tiên là giúp bé nhận biết các phương tiện giao thông. Bố mẹ có thể sử dụng các hình ảnh từ thẻ flashcard, sách truyện hay video để trẻ nắm được đặc điểm riêng của từng loại phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không. Qua đó, bé sẽ có thể phân biệt được các phương tiện quen thuộc hằng ngày, có kiến thức thêm về công dụng và lợi ích của từng loại.
Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non về các phương tiện giao thông
2.2. Cho trẻ làm quen với biển báo và tín hiệu đèn giao thông
Biển báo và đèn tín hiệu là điều vô cùng quan trọng khi tham gia giao thông. Bố mẹ cần hướng dẫn bé nhận biết và gọi tên tín hiệu đèn, đồng thời xác định được hiệu lệnh của từng màu đèn: đèn đỏ dừng lại, đèn vàng đi chậm, đèn xanh được đi.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên trang bị cho bé các kiến thức về luật lệ giao thông đơn giản về những ký hiệu và biển báo giao thông như: Vạch kẻ sang đường, vỉa hè cho người đi bộ, một số biển báo cấm, biển chỉ dẫn khác…
Cho trẻ làm quen với biển báo và tín hiệu đèn giao thông (Nguồn: freenice.net)
2.3. Giúp trẻ trải nghiệm tham gia giao thông thực tế
Cho trẻ trải nghiệm tham gia giao thông thực tế là một phương pháp giáo dục an toàn giao thông vô cùng hiệu quả. “Học đi đôi với hành” lúc nào cũng là cách dạy khoa học, giúp trẻ hiểu rõ bản chất vấn đề và biết vận dụng tốt vào thực tế cuộc sống.
Bố mẹ có thể áp dụng qua các hoạt động quen thuộc hằng ngày. Trên đường đi chơi hay đi học, phụ huynh nên kết hợp hướng dẫn những kiến thức cần thiết và thực hành cho bé xem những điều đúng, chấp hành theo luật lệ. Bên cạnh đó, các tình huống tham gia giao thông không an toàn cũng giúp bé ý thức và tránh không vi phạm: vượt đèn đỏ, tự ý chạy ra đường, đưa tay ra khỏi cửa sổ ô tô…
Giúp trẻ trải nghiệm tham gia giao thông thực tế (Nguồn: protect.com)
2.4. Khuyến khích trẻ vẽ tranh về an toàn giao thông
Vẽ tranh là một hoạt động diễn ra thường xuyên với các bé ở lứa tuổi mầm non. Vì vậy, đây là một cách giáo dục đơn giản giúp tăng hứng thú và khả năng tập trung của bé. Qua vẽ tranh, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, phát huy năng lực quan sát và lưu trữ thông tin về sự vật, hiện tượng.
Bé sẽ tha hồ được sáng tạo theo ý thích và thể hiện lại những gì được học qua các bức tranh về chủ đề an toàn giao thông. Điều này giúp con củng cố một lần nữa các kiến thức và nhờ đó bé sẽ nhớ lâu hơn.
Khuyến khích trẻ vẽ tranh về an toàn giao thông