Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, đổi trắng, thay đen, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.
Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; một số thông tin có những ngôn từ thô tục nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống
Có những thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi-rút
Bên cạnh đó, có thông tin sai trái như: xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tìm mọi cách thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa nội bộ ta trên mọi lĩnh vực,... Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá Nhà nước ta.
Đồng thời tận dụng tối đa những ý kiến, đánh giá, nhận xét của các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, tạo dựng các trang web, các tài khoản cá nhân trên mạng nói chung, trên Facebook nói riêng để chia sẻ, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
Giả mạo các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động cao đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc, lôi kéo người dân. Giả mạo lực lượng chức năng như quân đội, công an
trà trộn vào lực lượng tham gia biểu tình hoặc có những hành vi phản cảm để quay phim, chụp ảnh phát tán lên mạng internet, mạng xã hội.
Tạo hiệu ứng đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (đa số là các tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tạo ra hiệu ứng đám đông, từ đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Giả mạo tài khoản, xây dựng hàng loạt các mạng lưới tài khoản, trong đó có một số tài khoản chính thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một số nội dung, lĩnh vực nhất định và sử dụng hàng trăm tài khoản vệ tinh (thực chất là tài khoản ảo, có chung một chủ tài khoản) thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trong các nhóm diễn đàn phản động hoặc các trang mạng xã hội có lượng thành viên lớn.
Đặc biệt, có nhiều tài khoản được thế lực thù địch mạo danh các nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng để phát huy tối đa khả năng lan truyền thông tin gây hoang mang dư luận trong quần chúng nhân dân, kích động người dân tụ tập biểu tình ngoài thực địa và có hành vi vi phạm pháp luật.
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nhất là tuổi trẻ hiện nay, mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội.
Cùng với sự tiến bộ của xã hội, Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng ngày càng phát triển, đây là xu thế tất yếu khách quan. Để giúp cho thanh niên tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội một cách lành mạnh, tích cực, hữu ích thì điều quan trọng trước hết là các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục, hướng dẫn cho họ hiểu rõ về các trang mạng xã hội, thấy được những tiện ích và hạn chế của nó để chủ động tham gia và sử dụng một cách tích cực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sinh hoạt, học tập, công tác chuyên môn.
Bên cạnh việc giáo dục cho thanh, thiếu niên nâng cao hiểu biết về các trang mạng xã hội, thì phải hướng dẫn, tư vấn cho họ những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội. Điều hết sức quan trọng là phải chỉ cho họ thấy được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ dẫn cho họ biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo, phản động,… đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho thanh, thiếu niên, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin tung lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội; phải hết sức thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, lãnh đạo, cần phải có sự hiểu biết cơ bản về các trang mạng xã hội, biết cách sử dụng các trang mạng xã hội với những tiện ích của nó cho công việc, cho giải trí lành mạnh, không nên phê phán bừa bãi hay chỉ lên án những tiêu cực của các trang mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ.
Các bậc cha, mẹ, anh, chị nên thường xuyên giáo dục, định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nâng cao sức đề kháng trước tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội. Làm cho giới trẻ thấm sâu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giáo dục, rèn luyện cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn biết tự trọng, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, từ đó xây dựng lối sống tốt đẹp, sống có tình thương và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.